Bên cạnh đó, hiện nay nguồn tài nguyên khoáng sản đang ngày càng cạn kiệt, cùng với gia tăng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, việc phát triển các loại VLXD xanh, thân thiện với môi trường đang dần trở thành xu thế tất yếu, là mục tiêu hướng đến của ngành công nghiệp sản xuất VLXD. Yêu cầu này cũng nhằm hiện thực hóa mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Theo định nghĩa của ngành Xây dựng, vật liệu xanh được hiểu là những sản phẩm thân thiện với môi trường. Chúng được sản xuất từ những loại nguyên liệu sẵn có trong quá trình sinh hoạt và sản xuất mà con người tạo ra nhằm phục vụ cho công tác xây dựng và đảm bảo các tiêu chí: không gây độc hại đến con người, không gây ô nhiễm môi trường, tái chế được, tiết kiệm năng lượng, có tuổi thọ dài và quy trình sản xuất được kiểm định nghiêm ngặt.
Trong khi các vấn đề về ô nhiễm môi trường đang trở nên nhức nhối ở cả Việt Nam và trên toàn thế giới thì sống xanh, sử dụng vật liệu xanh đang được nhiều người lựa chọn và dần dần chiếm phần lớn tỷ trọng trong ngành Xây dựng công trình. Ngoài việc chọn lựa đất xanh, cây xanh… thì vật liệu xanh, thân thiện với môi trường cũng là một tiêu chí rất quan trọng ở cuộc Cách mạng xanh trong xây dựng.
Hiện nay, xu hướng sử dụng VLXD xanh ngày càng được quan tâm, không chỉ đối với các kiến trúc sư, nhà thầu, chủ đầu tư mà còn nhận được sự khuyến khích của Nhà nước, các địa phương và nhận thức thấu đáo hơn từ người tiêu dùng thông thái. Việt Nam đã cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường 9% với nỗ lực trong nước và có thể đạt 27% với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Để làm được việc đó, nhiều chính sách nhằm phát triển sản xuất và sử dụng VLXD xanh đã được ban hành. Chính phủ cũng khuyến khích và có chính sách riêng thúc đẩy ứng dụng gạch không nung để thay thế dần cho loại gạch nung trong xây dựng.
Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sử dụng 100% vật liệu xây không nung.
Đặc biệt, việc sản xuất VLXD không làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng xã hội, môi trường, di tích lịch sử văn hóa và đảm bảo an ninh quốc phòng được quan tâm. Theo đó, nằm trong phương hướng phát triển đa dạng VLXD thân thiện với môi trường, các mô hình sản xuất gạch không nung trên địa bàn tỉnh đang được đầu tư xây dựng một cách bài bản, khoa học và từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 28 cơ sở sản xuất VLXD xanh, chủ yếu là gạch không nung, tổng công suất thiết kế 300 triệu viên/năm. Trong đó có 13 cơ sở đang hoạt động với công suất thiết kế 130 triệu viên/năm; 3 cơ sở đang đầu tư với công suất thiết kế 110 triệu viên/năm; 8 cơ sở tạm dừng với công suất thiết kế 50 triệu viên/năm; 4 cơ sở đóng cửa với công suất thiết kế 15 triệu viên/năm.
Thuận theo xu hướng xanh hóa ngành Xây dựng, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất và kinh doanh VLXD, chủ đầu tư các dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã nghiêm túc thực hiện chỉ thị của UBND tỉnh về việc tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng không nung để thay thế gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh.
Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện các dây chuyền sản xuất theo công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nguyên liệu, nhiên liệu, hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường đang từng bước bị thay thế và loại bỏ. Các nhà máy mới đều được đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, nhiều dây chuyền được trang bị mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, trình độ công nghệ đạt ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới. Phát triển VLXD đã từng bước được chú trọng hơn theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.